Tìm kiếm Ebook:

⇩⇩⇩ HƯỚNG DẪN TẢI EBOOK TRÊN BLOG ⇩⇩⇩

[BUỒN LÀM CHI EM ƠI] TÀI KHOẢN MEDIAFIRE CỦA BLOG ĐÃ BỊ KHÓA

Đầu tiên mình xin cám ơn các bạn đã gắn bó với Blog suốt thời gian qua, nhờ có mọi người mà Blog của mình mỗi ngày một đông vui hơn, cá...

[EBOOK] CÁC LOÀI ONG KÝ SINH BRACONIDAE (HYMENOPTERA) VÀ KHẢ NĂNG SỬ DỤNG CHÚNG TRONG PHÒNG TRỪ SÂU HẠI Ở VIỆT NAM, KHUẤT ĐĂNG LONG, NXB KHOA HỌC TỰ NHIÊN VÀ CÔNG NGHỆ



Trong các loài ong thuộc bộ cánh Màng (Hymenoptera), nhóm ong Ký sinh (Parasitica) khác hẳn nhóm ong có Ngòi đốt (Aculeata) với đặc điểm chúng sống ký sinh ở các loài côn trùng khác, vì vậy, nhóm ong này có một vai trò rất quan trọng trong việc hạn chế số lượng của nhiều loài sâu hại cây trồng nông nghiệp. Cũng chính vì vậy, chúng đã và đang được nghiên cứu nhằm sử dụng trong biện pháp sinh học phòng trừ các loài sâu hại cây trồng.

Số lượng loài ong ký sinh rất nhiều, trong số đó tổng họ ong cự Ichneumonoidea là một trong những tổng họ có số lượng loài nhiều nhất. Theo một số đánh giá gần đây, riêng nhóm ong ký sinh thuộc họ Braconidae trong tổng họ ong cự Ichneumonoidea đã có tới hơn 17.000 (Yu et al., 2005) [33] tên loài có hiệu lực. Theo một số chuyên gia đi sâu nghiên cứu về họ này, số lượng loài chính thức được mô tả mới chỉ chiếm khoảng một nửa hoặc hơn một nửa số

loài mà họ ong ký sinh này có trên thực tế (Marsh, 1979; van Achterberg, 1984; Shaw & Huddleston, 1991).

Kích thước cơ thể của các loài ong ký sinh thuộc họ Braconidae dao động rất lớn, chiều dài thân không kể máng đẻ trứng từ rất nhỏ gần 1mm lên đến 30-40mm. Ong cái có máng đẻ trứng dài hoặc ngắn phụ thuộc vào từng giống hoặc loài. Máng đẻ trứng có thể dài hơn thân, dài bằng hoặc ngắn hơn thân. Đặc điểm hình thái dễ nhận biết nhất các loài thuộc họ Ong ký sinh Braconidae ở chỗ cánh trước không có ô cánh costal (vì gân costa liền với gân subcosta), không có đoạn gân 2r-m (ở họ Ong ký sinh Ichneumonidae có đoạn gân này).

Vật chủ phổ biến của các loài ong ký sinh thuộc họ Braconidae thường là sâu non của hầu hết các loài côn trùng khác, nhưng thường gặp nhiều nhất ở các loài côn trùng thuộc bộ cánh Vảy (Lepidoptera), cánh Cứng (Coleoptera) và Hai cánh (Diptera). Không giống với các loài ong ký sinh khác, ong ký sinh thuộc họ Braconidae không ký sinh các loài chân đốt khác không thuộc lớp côn trùng.

Họ Ong ký sinh Braconidae bao gồm cả loài ngoại ký sinh và nội ký sinh. Các loài ong ngoại ký sinh thường đẻ trứng lên cơ thể vật chủ, quá trình phát triển của trứng và ong non xảy ra bên ngoài cơ thể của vật chủ, còn các loài ong nội ký sinh lại đẻ trứng vào bên trong cơ thể của vật chủ, giai đoạn trứng và ong non phát triển bên trong cơ thể của vật chủ. Trong cả hai trường hợp (nội ký sinh và ngoại ký sinh), sau khi bị nhiễm ong ký sinh, vật chủ vẫn phát triển bình thường cho đến khi ong non các loài ký sinh hoàn thành sự phát triển của chúng bên trong hoặc bên ngoài cơ thể vật chủ, sau đó ong non đẫy sức làm kén bên trong hoặc bên ngoài cạnh xác của vật chủ.

Về tập tính đẻ trứng ở các loài ong ký sinh, người ta chia chúng thành hai nhóm: nhóm gây mê vật chủ (gây chết lâm sàng cho vật chủ) trước khi đẻ trứng và nhóm đẻ trứng vào vật chủ không cần gây mê. Nhóm gây mê vật chủ trước khi đẻ trứng thường là các loài ong ngoại ký sinh, ong cái thuộc nhóm này có khả năng gây mê vật chủ trước khi thực hiện sự đẻ trứng. Sau khi trứng của ong ký sinh được đẻ lên cơ thể của vật chủ, vật chủ đã bị gây mê thường không chuyển giai đoạn phát dục cho tới khi ong non phát triển đến thành thục.

Hầu hết những ong ký sinh thuộc họ Braconidae đều ký sinh ở pha sâu non các loài côn trùng, riêng các loài của phân họ Cheloninae lại ký sinh kép ở cả hai pha trứng - sâu non, một số loài thuộc phân họ Euphorinae đẻ trứng vào pha tiền nhộng, pha thiếu trùng hoặc cả ở pha trưởng thành (như trường hợp một số loài ong ký sinh ở thiếu trùng bọ xít và trưởng thành bọ rùa và ong mật), khi đó ong non phát triển ở pha nhộng, thiếu trùng hoặc trưởng thành của vật chủ.

Một số loài ong ký sinh thuộc họ Braconidae có tính chuyên hóa rất cao, thí dụ các loài thuộc phân họ ong bụng nhỏ Microgastrinae chuyên ký sinh ở sâu non các loài côn trùng thuộc bộ cánh Vảy, các loài ong ký sinh thuộc phân họ Aphidiinae chuyên ký sinh ở các loài rệp muội (Aphididae).

Trong công trình này, chúng tôi chỉ giới thiệu những loài thuộc họ Braconidae (Hymenoptera: Ichneumonoidea) chúng là những loài ong ký sinh pha sâu non của các loài sâu hại ở Việt Nam. Toàn bộ các loài ong ký sinh này đều được tìm thấy từ những loài sâu hại là vật chủ đích thực của chúng. Chính vì vậy, những loài ong ký sinh này đều có triển vọng được sử dụng trong biện pháp sinh học

phòng trừ sâu hại trên mỗi loại cây trồng nhất định. Địa điểm thu mẫu được thực hiện ở hầu hết các tỉnh của Việt Nam, từ miền núi đến đồng bằng, trừ một số hải đảo.

Toàn bộ mẫu ong ký sinh đều được sấy kỹ và làm tiêu bản khô. Mẫu ong ký sinh được lưu giữ trong bộ sưu tập tại Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật. Việc định tên các loài ong ký sinh được chính tác giả thực hiện trong đó có sự giúp đỡ và cộng tác với các chuyên gia nghiên cứu về họ ong ký sinh này ở Việt Nam cũng như trong khu vực: GS. TSKH. Tobias V. I. và TSKH. Belokobylskij S. A. (Viện Động vật học - Viện Hàm lâm Khoa học Nga (Xanh Petécbua), GS. TS. van Achterberg C. (Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Leiden, Hà Lan), GS. TS. Chen Xuexin (Đại học Nông nghiệp Triết Giang, Trung Quốc).

Cho đến nay, họ Ong ký sinh Braconidae ở Việt Nam được chia thành 23 phân họ (Khuất Đăng Long, 2004). Tuy nhiên, trong công trình này, chúng tôi chỉ giới thiệu 15 phân họ có đại diện là 70 loài ong ký sinh đã được biết vật chủ của chúng ở Việt Nam. Để định loại các loài ong ký sinh, chúng tôi đã sử dụng các hình vẽ minh họa ít nhất là những bộ phận quan trọng đặc trưng và dễ dàng phân biệt sự khác nhau giữa các phân họ, giống và loài. Ngoài ra, do tính chuyên hóa ở các loài ong ký sinh, có thể tra cứu các loài ong ký sinh thông qua loài sâu hại là vật chủ của chúng hoặc các cây trồng có liên quan đến nơi sống của các loài ong ký sinh.

Cuốn sách bao gồm 5 chương, chương I: Kiến thức chung về vị trí phân loại, ý nghĩa sinh học và hình thái chung của các loài ong ký sinh; chương II: Các phương pháp thu thập mẫu ong ký sinh và phương pháp làm tiêu bản mẫu khô dùng để định loại qua đặc điểm hình thái của ong ký sinh; chương III: Phân loại hệ thống, trong đó các loài ong ký sinh thuộc họ Braconidae được xếp theo các phân họ, các giống rồi đến các loài, hệ thống các phân họ được xếp theo thứ tự chữ cái và sau đó là mô tả theo đặc điểm hình thái so sánh, phân bố của ong ký sinh theo các tỉnh từ Bắc xuống Nam; chương IV: Đặc điểm sinh vật học, sinh thái học và sinh học bảo tồn một số loài ong ký sinh thường gặp trong một số hệ sinh thái nông nghiệp điển hình và chương V: Khả năng lợi dụng các loài ong ký sinh trong biện pháp sinh học ở Việt Nam. Phần cuối là tài liệu tham khảo và bảng tra cứu theo tên khoa học các loài ong ký sinh, vật chủ của chúng.

Ở Việt Nam, có khá nhiều công trình đã đề cập đến các loài ong ký sinh thuộc họ ong ký sinh Braconidae về khía cạnh sinh thái học, sinh vật học và danh sách loài. Tuy nhiên, chúng tôi chưa được biết và kiểm tra bộ sưu tập mẫu có trên thực tế về các loài đã được công bố trong những tài liệu trên. Vì vậy, những công trình này được chúng tôi thống kê trong phần tài liệu tham khảo về phân bố của chúng ở Việt Nam. Hy vọng cuốn sách này là tài liệu bổ ích cho những chuyên gia nghiên cứu về phân loại học, sinh thái học và bảo tồn, các chuyên gia về bảo vệ thực vật, các giảng viên, nghiên cứu sinh và sinh viên trong các Trường Đại học KHTN, Đại học Nông nghiệp, Đại học Lâm nghiệp...

Công trình được xuất bản do tài trợ của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Những kết quả nghiên cứu được thực hiện trong nhiều năm chủ yếu với kinh phí nghiên cứu của chương trình NCCB do tác giả làm chủ nhiệm, một phần được sự hỗ trợ của đề tài cấp Viện KH và CN Việt Nam, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật.

Xin được bày tỏ lời cảm ơn đối với các nhà khoa học đã giúp đỡ trong việc cung cấp nhiều tài liệu phân loại có liên quan đến họ Ong ký sinh Braconidae ở Việt Nam như TSKH Belokobylskij S. A., GS. TSKH. Tobias V. I. (Viện Động vật học Xanh Petécbua, Viện HLKH Nga; GS. TS. van Achterberg C. (Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Leiden, Hà Lan); GS. Zhou Zhihong (Viện Bảo vệ thực vật, Viện HLKH Quảng Tây) và GS. TS. Chen Xuexin (Trường Đại học Nông nghiệp Triết Giang, Trung Quốc). Lời cảm ơn cũng xin gửi tới GS. TSKH. Vũ Quang Côn, Viện Sinh thái và TNSV, người luôn khích lệ tác giả viết cuốn sách này. Đặc biệt, tác giả bày tỏ lòng biết ơn tới những người thân và gia đình đã kiên nhẫn trong suốt thời gian làm việc của tác giả, cảm ơn các đồng nghiệp đã khuyến khích và động viên chúng tôi hoàn thành công trình này. 

[EBOOK] CÁC LOÀI ONG KÝ SINH BRACONIDAE (HYMENOPTERA) VÀ KHẢ NĂNG SỬ DỤNG CHÚNG TRONG PHÒNG TRỪ SÂU HẠI Ở VIỆT NAM, KHUẤT ĐĂNG LONG, NXB KHOA HỌC TỰ NHIÊN VÀ CÔNG NGHỆ

Quý bạn đọc có thể tải ebook trên về tại đây: PART 1 / PART 2.

Từ khoá: ebook, giáo trình, ong ký sinh, sử dụng ong ký sinh phòng trừ sâu hại, IPM, quản lý dịch hại tổng hợp, sử dụng thiên địch phòng trừ dịch hại, công nghệ sinh học ứng dụng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

levantaihg@gmail.com

Tổng số lượt truy cập vào Blog