Các kỹ thuật tạo giống truyền thống như lai tạo và chọn lọc nhân tạo đã được con người sử dụng hàng ngàn năm qua để tạo ra các cây trồng có đặc tính nông học thích hợp và riêng biệt. Tuy nhiên, những kỹ thuật này đòi hỏi nhiều thời gian và có thể phải trải qua nhiều thế hệ mới có được những tính trạng mong muốn và loại bỏ những tính trạng không mong muốn. Công nghệ sinh học (CNSH) sử dụng kỹ thuật di truyền để biến đổi cây trồng bằng cách đưa trực tiếp những gen có giá trị vào bộ gen của cây nhận (kể cả gen của các loài vốn không có quan hệ họ hàng) và nhanh chóng tạo ra cây trồng biến đổi gen (GMC) mang những đặc tính mong muốn. Hiện nay, CNSH hiện đại và các cây trồng biến đổi gen đang được ứng dụng rộng rãi và đã có những đóng góp đáng kể. Theo thông báo tóm tắt của tổ chức Tổ chức Dịch vụ Quốc tế ứng dụng Công nghệ sinh học vào Nông nghiệp (International Service for the Acquisition of the AgriBiotech Applications, ISAAA) chỉ mới trong thời gian chưa đầy 10 năm, bắt đầu từ 1995 với 0,5 triệu ha cây trồng chuyển gen đầu tiên được gieo trồng, đến năm 2003 đã có đến trên 67 triệu ha và cuối năm 2005 có tới gàn 100 triệu ha cây chuyển gen được trồng trên qui mô toàn cầu. Riêng trong giai đoạn 1986 -1997, trên toàn cầu có tới 25000 thử nghiệm trên đồng ruộng đối với các cây trồng biến đổi di truyền. Trong đó, gần 3/4 các cuộc thử nghiệm được tiến hành tại Mỹ, tiếp đến là Canada, châu Âu, châu Mỹ la tinh và châu Á. Các thử nghiệm này tập trung vào 10 loại tính trạng trên đối tượng là 60 loại cây trồng. Đến nay phần lớn các quốc gia ở Đông Nam Á cũng đang nhập cuộc.
Ở Việt Nam, lĩnh vực nghiên cứu tạo sinh vật GM đang được tiếp cận, đầu tư và triển khai nghiên cứu. Nhiều gen quý có giá trị ứng dụng như năng suất, chất lượng, chống chịu được phân lập và nghiên cứu nhằm chuyển vào cây trồng. Những vấn đề như: thiết kế vector, hoàn thiện hệ thống tái sinh cây khởi đầu cho nghiên cứu chuyển gen cũng nhận được sự quan tâm của nhiều nhóm tác giả. Một số công trình nghiên cứu chuyển gen chọn lọc và sàng lọc như gen kháng kanamycine, hygromycine, gen mã hóa p-glucuronidase (GƯS) vào thuốc lá, lúa cũng được tiến hành nhằm mục đích hoàn thiện các quy trình chuyển gen làm cơ sở cho các bước chuyển gen có giá trị vào các đối tượng cây trồng này v...v... Các phương pháp chuyển gen khác nhau như dùng súng bắn gen, chuyển gen thông qua vi khuẩn Agrobacterium tumefaciens đã được áp dụng thành công trên một loạt các đối tượng cây trồng quan trọng như: lúa, khoai lang, cà chua, thuốc lá v...v...
Cụ thể là trong Chương trình CNSH giai đoạn 1996 - 2000, Viện Công nghệ sinh học đã thực hiện đề tài cấp Nhà nước có nội dung về chuyển gen ở cây trồng trong đó gen Xa21 kháng bạc lá ở lúa và gen cry đã được chuyển thành công vào giống lúa C71. Trong khuôn khổ chương trình Nghiên cứu và phát triển Công nghệ sinh học giai đoạn 2001 - 2005 Viện CNSH lại tiếp tục chủ trì và thực hiện đề tài KC.04.13 với nội dung "Nghiên cứu áp dụng công nghệ gen để tạo cây chuyển gen nâng cao sức chống chịu sâu bệnh và ngoại cảnh bất lợi". Ngoài ra, trong khuôn khổ các đề án hợp tác trong nước Viện Công nghệ sinh học đã tiến hành thực hiện với Viện Nghiên cứu và Phát triển cây Bông nội dung chuyển gen kháng sâu vào cây bông vải, với Viện Di truyền Nông nghiệp về phân lập và chuyển gen kháng bọ hà vào cây khoai lang. Cũng trong khuôn khổ hợp tác khoa học với nước ngoài Viện Công nghệ sinh học cùng Trường Đại học Tự do Brussel, Bỉ; Trường Đại học Tổng hợp Valencia, Tây Ban Nha và Viện CIRAD Monpellier, Pháp nghiên cứu chuyển gen chịu hạn vào cây lúa, với Viện Max Plank về Sinh lý thực vật phân tử Golm, Đức chuyển gen chất lượng vào lúa; hợp tác với các quốc gia ASEAN là Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Philippin về chuyển gen kháng virus đốm vòng vào cây đu đủ v...v...
Nhằm giới thiệu những kết quả ban đầu của quá trình nghiên cứu về lĩnh vực nêu trên, cuốn sách này được biên soạn như một tài liệu chuyên khảo dành cho cán bộ nghiên cứu, sinh viên và giảng viên, cán bộ quản lý và những người quan tâm đến lĩnh vực phát triển cây trồng chuyển gen ở Việt Nam.
[EBOOK] PHÁT TRIỂN CÂY TRỒNG CHUYỂN GEN Ở VIỆT NAM, LÊ TRẦN BÌNH, NXB KHOA HỌC TỰ NHIÊN VÀ CÔNG NGHỆ
Quý bạn đọc có thể tải ebook trên về TẠI ĐÂY.
Từ khóa: ebook, giáo trình, cây trồng biến đổi gen, phát triển cây trồng biến đổi gen, phát triển cây trồng chuyển gen, cây trồng GMC, công nghệ sinh học, công nghệ gen thực vật